Bài viết

Tro xỉ được xử lý và sử dụng làm VLXD như thế nào? ( Kì 2)

(Xây dựng) - Về cơ bản, các doanh nghiệp (DN) đều nhận thấy việc xử lý tro xỉ sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), làm vật liệu san lấp, làm vật liệu móng các công trình hạ tầng kỹ thuật vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Và thực tế đã chứng minh, có DN đã thành công và có được lợi nhuận cao từ việc xử lý tro xỉ.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành nhận định: Về cơ bản, nếu DN đầu tư bài bản, có chìa khóa công nghệ và áp dụng công nghệ vào sản xuất VLXD và các sản phẩm của ngành xây dựng thì DN đó sẽ thành công.

Ông Thành cho biết, công nghệ xử lý tro xỉ chủ yếu bao gồm 2 bước chính. Bước thứ nhất là thu lại tro xỉ sau khi đốt, đưa ra bãi chứa để xử lý làm sao để tro xỉ đảm bảo thành phần, tính chất để có thể sử dụng trong sản xuất các loại VLXD như xi măng, bê tông, vữa xây, gạch đất sét,… hoặc đủ điều kiện để làm vật liệu san lấp biển, ổn định nền đất yếu ở các khu vực nhiễm mặn.

Hiện có hai trường phái tuyển tro xỉ. Đa số các DN dùng phương pháp tuyển ướt. Theo đó, tro xỉ được xử lý với nguồn nước, sau đó sử dụng một số loại phụ gia để tách thành phần hóa học không mong muốn, chỉ để lại trong tro xỉ chủ yếu là các thành phần ôxít sử dụng đại trà, sử dụng ổn định trong VLXD như ôxít sắt, ôxít nhôm, ôxít silic.

Trong quá trình này, việc tách thành phần than chưa cháy trong tro xỉ rất quan trọng. Bởi vì, than chưa cháy hết trong tro xỉ thường có phản ứng với các nguyên tố hóa học khác. Trong thời gian lâu dài, than dư có thể thay đổi thể tích, dẫn đến ứng xuất thay đổi trong bản chất của nguyên vật liệu xây dựng, có thể dẫn đến nứt vi cấu trúc ở trong sản phẩm VLXD. Chính vì vậy, trong quy trình xử lý tro xỉ, người ta sẽ cố gắng tuyển để lọc bớt lượng than chưa cháy ra.

Còn trong công nghệ tuyển khô, người ta thường sử dụng nguyên lý tĩnh điện tách các thành phần hóa học khác nhau và nhất là tách phần than chưa cháy. Công nghệ này không cần dùng nước, chủ yếu tách khi tro xỉ khô.

Hiện nay, cả 2 công nghệ tuyển tro xỉ ướt và khô đều được sử dụng. Các DN có thể nghiên cứu công nghệ nào phù hợp với phương pháp tuyển của mình, với nguồn vốn đầu tư của mình để xử lý được tro xỉ làm VLXD.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy và đoàn công tác của Bộ khảo sát dây chuyền công nghệ xử lý tro xỉ của Cty CP Sông Đà Cao Cường.

Sau khi tuyển tro xỉ để thu tro bay làm nguyên liệu sản xuất VLXD, bước công nghệ thứ 2, tùy thành phần và cỡ hạt, các DN khoa học có thể sử dụng đưa tro bay vào bê tông, vữa xây dựng… hoặc có thể nghiền mịn, đưa vào thay thế đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Nhưng để tiêu thụ được khối lượng tro xỉ lớn thì người ta dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp, gia cố các nền đất… Những vùng đất yếu, có thể đưa tro xỉ vào để trộn lẫn với đất để làm tăng khả năng chịu tải của nền đất.

Ông Lê Trung Thành chia sẻ: Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam, việc xử lý tro xỉ thành công nhất là phương pháp tuyển ướt của tro xỉ nhà máy nhiệt điện Phả Lại để lấy tro bay đưa vào sản xuất bê tông đầm lăn phục vụ thi công đập các thủy điện lớn. Điển hình là đập thủy điện Sơn La, dài khoảng 1km, cao 138m, rộng 90m.

Với giải pháp sử dụng tro bay của Nhiệt điện Phả Lại vào thành phần bê tông đã giúp giảm thời gian thi công đập, góp phần rút ngắn tiến độ thi công chung của nhà máy thủy điện Sơn La 3 năm. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn có thành phần tro bay ở thủy điện Sơn La đã giúp làm lợi cho nhà nước 1,5 tỷ USD.

Thực tiễn đã chứng minh, Việt Nam xử lý thành công tro xỉ nhà máy nhiệt điện và thành công trong việc đưa tro bay vào thi công bê tông đầm lăn công trình đập thủy điện. Thậm chí thành phần của tro bay trong hỗn hợp bê tông đầm lăn vào đập thủy điện Sơn La là cao hơn xi măng nhiều lần, xi măng chỉ khoảng 60-70kg/m3 bê tông, trong khi tro bay đưa vào 170kg/m3 bê tông.

Thực tế này cho thấy, nếu các DN làm chủ được công nghệ thì hoàn toàn có thể sẽ làm chủ quy trình xử lý tro xỉ để đưa tro xỉ vào sản xuất VLXD hiệu quả và thành công.

Quý Anh - Theo báo Xây Dựng  http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/ky-2-viet-nam-da-lam-chu-duoc-cong-nghe.html

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: