Bài viết

Tro xỉ được sử dụng làm VLXD như thế nào? (Kì 1)

(Xây dựng) - Trên thế giới, tại các nước phát triển, việc xử lý tro xỉ, thạch cao của của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và sử dụng trong các công trình xây dựng đã được ứng dụng từ rất nhiều năm trước. Còn ở Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng đang nỗ lực đẩy mạnh việc xử lý tro xỉ, thạch cao làm VLXD. Các chính sách đã và đang ban hành phần nào thể hiện quyết tâm này. Câu hỏi đặt ra là để làm VLXD, về nguyên lý, tro xỉ, thạch cao được xử lý như thế nào?

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết: Trong nhà máy nhiệt điện, người ta dùng than để đốt. Than đốt có thể là than mịn, đốt theo công nghệ than phun hoặc là đốt than tầng sôi với kích cỡ của hạt than lớn hơn một chút. Khi đốt, tro của than, phần nhẹ sẽ bay lên là tro bay (chiếm khoảng từ 80-85%), phần tro nặng hơn, không bay, sẽ rơi xuống là tro đáy (chiếm khoảng 15-20%).

Trước đây, thời kỳ đầu của các nhà máy nhiệt điện, lượng tro nhẹ này không được xử lý, phát thải ra môi trường, tạo thành bụi, gây ô nhiễm môi trường. Nồng độ bụi ở khu vực nhà máy nhiệt điện thường lên cao.

Nhiều năm trở lại đây, các nhà máy nhiệt điện đều ứng dụng công nghệ lọc bụi tĩnh điện thu lại lượng tro bay này. Tro bay theo hệ thống và được hòa chung vào cái tro đáy. Trong các nhà máy nhiệt điện trên thế giới và Việt Nam hiện nay, 2 nguồn tro này thì đều được trộn chung và chuyển ra bãi chứa.

Trong quá trình vận chuyển, để có thể tránh bụi, người ta sục nước vào tro, dùng áp lực để đẩy tro nước ra bãi chứa. Cũng có nhà máy để tro khô và dùng xe ben tải trọng lớn để chở tro xỉ ra bãi chứa.

Nếu sử dụng phương pháp vận chuyển ướt thì sau này tuyển tro bay, cơ sở tuyển lại phải mất năng lượng điện để làm khô tro trở lại thì mới có thể sử dụng trong sản xuất các sản phẩm VLXD hay đưa vào làm vật liệu san lấp. Còn nếu vận chuyển tro khô sẽ đem đến nguy cơ phát tán nồng độ bụi cao.

Trong bài toán xử lý tro xỉ thì quy trình công nghệ xử lý được coi là chìa khóa đem lại lời giải hiệu quả. Trên thế giới, bên cạnh quy trình công nghệ chung thì các nhà máy, các cơ sở xử lý tro xỉ cũng có những bí quyết riêng, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường xử lý tro xỉ phải đầu tư nghiên cứu phát triển, phải có một đội ngũ nghiên cứu kỹ từng bước trong quy trình xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất VLXD.



Xử lý tro xỉ theo công nghệ tuyển ướt sấy khô ở nhà máy của Cty CP Sông Đà Cao Cường.

Ông Lê Trung Thành cho biết: Việc xử lý tro xỉ phụ thuộc rất nhiều vào thành phần khoáng vật, thành phần hóa học của tro xỉ. Trong khi đó, thành phần của tro xỉ lại phụ thuộc vào thành phần khoáng vật và thành phần hóa học của than, nguồn than đốt trong nhà máy nhiệt điện.

Ông Thành phân tích: Than có nhiều loại và nhiệt lượng của than khác nhau. Thành phần khoáng hóa của than khai thác ở các mỏ trên thế giới khác nhau, thường lẫn một số nguyên tố hóa học, thậm chí có thể có cả những nguyên tố độc hại, nguyên tố kim loại.

Điều đáng mừng là ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu của ngành Xây dựng và các tổ chức nghiên cứu khác, kể cả các tổ chức quốc tế khi phân tích các thành phần khoáng vật và thành phần hóa học của tro bay và của than đều khẳng định yếu tố kim loại nặng và những yếu tố rất độc hại từ than cho tới tro bay không vượt ngưỡng. Tro xỉ thu được trong quá trình đốt cháy than ở trong nhà máy nhiệt điện an toàn.

Các nhà khoa học nghiên cứu về thành phần về công nghệ, về VLXD của Mỹ cũng dẫn chứng kết quả nghiên cứu khoa học thuyết phục và đều khẳng định: Tro xỉ là loại thải phẩm công nghiệp, không phải là loại thải phẩm độc hại.

Chính vì thành phần độc hại trong tro xỉ hầu như không có, do vậy trên thế giới, các nước khuyến nghị người tiêu dùng hãy yên tâm khi sử dụng những sản phẩm VLXD làm từ tro xỉ.

Tuy nhiên, ông Lê Trung Thành cũng lưu ý là không nên chủ quan. Mặc dù cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện được có vấn đề gì về hàm lượng chất độc hại trong tro xỉ nhưng vẫn cần phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, quan trắc thành phần độc hại, nguyên tố kim loại nặng trong tro xỉ. Nguyên nhân là vì nguồn than đến từ nhiều mỏ khác nhau, các thành phần của than ở trong thiên nhiên cũng không thể hoàn toàn tự tin là lúc nào cũng 100% không có vấn đề.

Thành phần của tro xỉ chủ yếu là oxit silic, oxit nhôm và oxit sắt và cả oxit canxi hay oxit kiềm khác. Đây cũng là các thành phần hóa học chủ yếu trong các loại sản phẩm VLXD vô cơ mà ngành xây dựng sử dụng thường xuyên. Điều đó cho thấy tro xỉ không có độc hại mà rất tốt để ứng dụng sản xuất VLXD.

(Còn nữa)

Quý Anh - Báo xây dựng : http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/ky-1-tro-xi-an-toan.html

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: