Bài viết

Nhìn thẳng sự thật để phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam

Tạp chí GTVT - Tiềm năng rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam phát triển, hoạt động chưa xứng tầm với vai trò và vị thế của quốc gia.

Thiếu và yếu

Trong Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam mà Cục Hàng hải VN (Bộ GTVT) xây dựng, đơn vị này cho biết, hệ thống cảng biển Việt Nam trong những năm qua phát triển đồng bộ, hiện đại đón được những tàu biển lớn nhất thế giới vào làm hàng. Tuy nhiên, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container ở Việt Nam lại chủ yếu do hãng tàu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt tuyến biển xa đến các nước phát triển như châu Âu, Mỹ.

Đội tàu trong nước hiện chủ yếu đảm nhận phần vận tải nội địa, hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực Châu Á. Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu vận tải biển Việt Nam đang có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, cơ cấu đội tàu biển chưa hợp lý, chủ yếu tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, hàng rời; thiếu tàu container và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế.

Tính đến tháng 12/2021, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam (gồm đội tàu vận tải biển chuyên dụng và đội tàu/phương tiện khác) có 1.502 tàu (không tính số liệu tàu đang đóng), tổng dung tích khoảng 7,145 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 11,7 triệu DWT. Trong đó, tàu vận tải biển chuyên dụng có 1.032 tàu với tổng dung tích khoảng 6,3 triệu GT và khoảng 10,6 triệu DWT, chủ yếu là cỡ tàu nhỏ (từ 5.000 GT trở xuống) và cỡ tàu trung bình (từ trên 5.000 GT đến 10.000 GT).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng đội tàu vận tải biển giao động từ trong khoảng từ 1.000 đến trên 1.200 tàu. Số lượng tàu năm 2021 so với năm 2016 đã giảm trên 200 tàu, tương đương với mức giảm 17,2 %; so với giai đoạn 2010 - 2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu; Tuy nhiên, tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải tăng trưởng trên 6%

Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ Việt Nam tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên thế giới. Điều này dẫn đến việc đội tàu biển Việt Nam vừa đứng trước thời cơ lớn cũng như thách thức lớn.

Giải pháp nào phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam?

Trên cơ sở tình hình trên thị trường vận tải quốc tế và xu hướng tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam qua các năm, cho thấy có tiềm năng phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam phát triển, hoạt động chưa xứng tầm với vai trò và vị thế của quốc gia.

Cùng với đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế và những tồn tại, đồng thời trên cơ sở Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW…, Cục Hàng hải Việt Nam đề ra nhiều giải pháp phát triển vận tải biển Việt Nam giai đoạn 2021- 2026, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đầu tiên là đổi mới cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Về giải pháp tài chính, cho phép không áp dụng thuế VAT (10% theo quy định hiện nay) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026 (VAT năm 2020: 234 tỉ, năm 2021: 109 tỉ đồng); Miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch và các tàu chở LNG; Ngân hàng nhà nước có chính sách cho các chủ tàu Việt Nam có tàu hoạt động tuyến quốc tế có doanh thu ngoại tệ được phép vay ngoại tệ để đầu tư mua tàu biển…

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức bảo đảm an toàn hành hải, hoa tiêu hàng hải để nâng cao tính hiệu quả, an toàn, đủ tầm quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế và thể hiện vai trò của một quốc gia có biển.

Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên. Trong đó, ban hành chính sách quản lý về nguồn lao động hàng hải, đặc biệt là sỹ quan, thuyền viên lao động trên tàu và lao động trong các nhà máy đóng, sửa chữa tàu là những ngành nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo trong nước và nước ngoài; Có chính sách, chế độ ưu đãi đặc thù đối với lao động của ngành vận tải biển nhằm khích người lao động gắn bó lâu dài với nghề.

Trong giai đoạn 2026 - 2030 1, Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra giải pháp xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải đối với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới tham gia hoặc là thành viên.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến châu Âu và Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính,… tăng năng lực cạnh cạnh với các hãng tàu nước ngoài.

 

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: